Doanh nhân cựu chiến binh Nguyễn Văn Khởi “Giữ trọn tấm lòng son”
NGUYỄN VĂN KHỞI
“GIỮ TRỌN TẤM LÒNG SON”
Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đội ngũ doanh nhân, người lính thời bình, trong đó có các doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam luôn đóng vai trò là lực lượng tiên phong, nòng cốt. Họ không chỉ là những người làm kinh tế giỏi, góp phần đáng kể cho sự phát triển của nền kinh tế mà còn tạo ra sức lan tỏa lớn trong cộng đồng bởi vô vàn việc “nghĩa”. Người lính giải phóng Nguyễn Văn Khởi năm nào trải qua bao thăng trầm của thời cuộc, hiện đang giữ trọng trách là Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn TNHH một thành viên. Như con tằm “nhả tơ” cho đời, cả một đời cống hiến giờ đây ông vẫn đau đáu niềm tin làm sao xây dựng thêm nhiều công trình có giá trị kinh tế xã hội để lại cho mai sau.
KHI NGƯỜI LÍNH TRỞ VỀ
Ông tham gia quân giải phóng miền Nam từ năm 1971, cũng như bao nhiêu người lính khác “ra đi từ mái tranh nghèo”, ông Nguyễn Văn Khởi (Bảy Khởi) đã phải trải qua sự gian khổ và ác liệt của chiến tranh. Sau ngày 30/4/1975, ông là một trong những người may mắn còn sống sót nguyên vẹn. Ông về tiếp quản thành phố và sau đó được cử đi học tại trường Bổ túc Công Nông miền Nam. “Trong những năm tháng này, đất nước sau chiến tranh còn nhiều khó khăn lắm, “bọn” học viên như chúng tôi cũng phải chung cảnh bữa “bo bo”, bữa cơm đầy thóc…”, ông Khởi hồi tưởng lại những ngày tháng gian khổ. Để được “cái chữ”, để tốt nghiệp cấp III, ông phải gởi 5 năm tuổi trẻ ở mái trường Công Nông, mái trường dành riêng cho những người kháng chiến. Mái trường của lớp thanh niên dang dở đèn sách, gác bút nghiên lên đường đi chiến đấu cho độc lập tự do của Tổ quốc và nhiều người trong họ mãi mãi không trở về.
Sau đó, ông về làm việc ở rất nhiều đơn vị, từ ngành Thương nghiệp, Công nghiệp, đến Công ty Dầu thực vật, rồi làm chuyên viên kinh tế ở Ban Kinh tế Thành ủy Tp.HCM, Phó phòng Kế hoạch – Kinh doanh Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn và cuối cùng là Intresco. Bởi ông hiểu rằng “chỉ có kiến thức mới giúp mình có đủ tự tin bật dậy để thay đổi bản thân và tạo công việc tốt hơn cho tương lại. Thế là ông lao vào học từ kinh tế đến luật và sau này là cử nhân chính trị.
Trải qua những năm tháng ác liệt của chiến tranh, của thời bao cấp thời bình, ông hiểu được giá trị của cuộc sống và luôn tự nhủ: “nếu mình có may mắn sống sót thì hãy luôn làm một con người có ích cho xã hội, sống tốt, sống chân tình và phải sống có nghĩa, có tình với mọi người”. Kinh nghiệm của người lính ở chiến trường đã giúp ông có bản lĩnh, tính quyết đoán và luôn có cái tâm sáng trong mọi sự việc, ông tâm sự.
BẢN LĨNH “ANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ”
Trải qua nhiều gian nan, cái tên ông “Bảy Khởi” đã thực sự trở thành một thương hiệu trong ngành xây dựng – bất động sản Tp.HCM, khi mà dưới thời kỳ lãnh đạo của ông, Intresco thăng hoa và phát triển rực rỡ.
Thời điểm ông Khởi bước chân vào lĩnh vực bất động sản (năm 1989), thị trường bất động sản chưa hình thành rõ nét. Trong mọi biến động của thị trường, ông phải tỉnh táo, quyết đoán để đưa ra những kế hoạch phù hợp cho từng thời kỳ và quan trọng nhất là biết tận dụng thời cơ và có chiến lược kinh doanh hợp lý. Thêm vào đó kinh doanh địa ốc là lĩnh vực luôn đụng chạm đến quyền lợi của người dân, dự án làm thường bị kéo dài nên hiệu quả chưa thể thấy ngay được. Do đó, người làm trong lĩnh vực này không chỉ có quyết tâm cao mà còn phải kiên trì để thuyết phục, tìm sự đồng thuận với người dân và chính quyền. Khi thực hiện bất cứ một dự án nào, ông đều đặt quyền lợi của người dân lên trên để họ được hưởng những lợi ích từ dự án cùng với nhà đầu tư và khách hàng mua sản phẩm. Chính vì vậy, các dự án của Intresco đều nhận được sự đồng thuận của người dân, tạo niềm tin tưởng nơi khách hàng.
“Kinh nghiệm của người lính ở chiến trường vận dụng vào thương trường cũng có nhiều, riêng tôi có những kinh nghiệm của bản thân là: phải có bản lĩnh và tính quyết đoán, kế đến phải có tâm trong sáng”, “giữ chữ tín, trọng chữ nghĩa” ông nói.
Ông Khởi nhớ lại một trong những quyết sách táo bạo nhất trong đời doanh nhân, đó là: “Quyết định xin phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ cho Intresco. Lúc đó, cấp trên và nhiều người phản đối đề án này và còn “đe”, nếu thất bại sẽ bị cách chức”. Vốn là người quyết đoán, nghĩ việc gì đúng thì quyết tâm đến cùng, cơ hội đến là phải mạnh dạn nắm lấy, nên ông để ngoài tai mọi lời cảnh báo, ngăn cản. Hơn nữa, việc ông làm là vì quyền lợi chung, không vụ lợi cá nhân nên chẳng có gì phải băn khoăn. Ông nghĩ : “Thất bại thì cùng lắm mất chức Tổng giám đốc, còn thành công thì giúp được cho bao nhiêu người khác. Làm thường dân mà làm ra một sản phẩm có ích cho xã hội vẫn tốt hơn làm quan mà không dám làm gì”. Nhờ có vốn mà Intresco đủ sức thực hiện nhiều công trình lớn như dự án khu đô thị Nam Sài Gòn; khu nhà ở Dương Đình Hội – Quận 9; dự án đường Tạ Quang Bửu – Quận 8; cao ốc An Cư, An Khang, Thịnh Vượng – Quận 2; dự án khu dân cư Trung Sơn; dự án 6B, Phong Phú thuộc khu Nam Sài Gòn; dự án khu dân cư Phường 13 – quận Bình Thạnh…
Cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ của mình tại Intresco, ông đã để lại cho doanh nghiệp một tài sản lớn từ chỗ chỉ có 25 tỷ đồng tiền vốn (trong đó vốn Nhà nước là 7 tỷ) tại thời điểm năm 2011, thặng dư vốn của Intresco đã lên đến con số 2.000 tỷ, nâng vốn Nhà nước lên trên 300 tỷ đồng.
Tiếp tục nhiệm vụ tại Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn TNHH một thành viên (SGC), Chủ tịch HĐTV, kiêm Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Khởi vẫn không thôi nhiệt huyết cống hiến. Ông cho biết : “Năm 2013, chúng tôi đã hoàn thành một dự án SGC tại Bình Thạnh; năm 2014 chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai 2 dự án gồm 1 dự án 300 căn hộ và 1 dự án với 1.000 căn hộ có vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng. Dự án hoàn thành sẽ góp phần chỉnh trang đô thị, làm điểm nhấn của Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, SGC còn thực hiện nhiều dự án trọng điểm khác như : KCN Cái Mép (diện tích 600 ha, vốn 3.000 tỷ); nhà thầu xây dựng thành phố mới Bình Dương; thành phố mới Thủ Thiêm, … cùng nhiều công trình nhà ở xã hội khác theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân Tp.HCM”.
GIỮ TRỌN TẤM LÒNG SON
“Tôi đã trải qua những lúc thăng trầm của thời thế, gặp nhiều người tốt và gặp cả tiểu nhân. Tôi là người lính may mắn được trở về. Tôi nhận thức sâu sắc rằng mình đã được đời cho nhiều thứ quá nên phải “nhả tơ” cho đời”, ông Khởi bộc bạch. Có lẽ chính nhờ cái “tâm” trong sáng đó mà sự ra đời của Công viên nghĩa trang Bình Dương được coi là dự án để đời, là niềm tự hào của ông và cả tỉnh Bình Dương.
Dự án có quy mô của một quần thể kiến trúc đậm nét văn hóa, đa tôn giáo, có đài tưởng niệm, quảng trường chính và nhà lưu cốt. Nghĩa trang có khuôn viên rộng trên 190 ha, tọa lạc trên vùng đất có địa thế, tất cả như một bức tranh thủy mạc giữa thiên nhiên bao la. Nằm cách Tp.HCM khoảng 45km về phía Đông Bắc, Công viên nghĩa trang Bình Dương nằm khuất yên tĩnh trong những tán rừng cây cao su. Khi đến nơi đây, không có cảm giác hoang vắng, u uất như mọi nghĩa trang khác, làm cho người ta không còn cảm giác lạnh lẽo khi bước vào chốn âm thiêng của người đã về bên kia thế giới.
Cổng nghĩa trang (Vĩnh Hằng môn) được thiết kế mỗi bên 5 cột trụ. Trên thân trụ là hình những con chim hạc bay lượn, biểu tượng của nền văn hóa cổ Đông Sơn. Bao bọc 2 bên là nền cỏ xanh và hoa kiểng luôn tươi tốt bởi những bàn tay chăm sóc của hàng chục nhân công. Nằm giữa Vĩnh Hằng môn còn có quả cầu tròn tượng trưng cho Trái đất không ngừng quay quanh vũ trụ bao la… Cùng nhiều công trình độc đáo như: đại lộ Vĩnh Hằng, cầu Thủy Long, đền Trình, Vĩnh Hằng đài… Thời gian tới, một số công trình sẽ tiếp tục được xây dựng hoàn thiện như chùa Đại An với chiều cao 7 tầng, là nơi có thể lưu cốt cho hàng nghàn người sau khi qua đời. Vườn Nhân Đàn có h.nh trống đồng khổng lồ gồm đài tưởng niệm và quảng trường có tượng đài, mộ chí, bia đá ghi công đức của các đời vua và các nhân vật lịch sử… Công viên nghĩa trang Bình Dương vừa mang đậm nét văn hóa truyền thống, vừa hiện đại sẽ góp phần đáp ứng được nhu cầu chôn cất, hỏa táng, thể hiện đạo lý “nghĩa tử là nghĩa tận”, đồng thời đảm bảo các điều kiện về môi trường.
Ông Khởi khẳng định: “Mục tiêu xây dựng Công viên nghĩa trang Bình Dương chủ yếu là vì xã hội. Hoạt động kinh doanh cũng là để phục vụ lại cho mục tiêu xã hội. Vì vậy chúng tôi cũng đã dành những khu tốt nhất, miễn phí cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cho các văn nghệ sĩ có nhiều đóng góp cho nền văn hóa dân tộc. Khu dành cho người nghèo tại địa phương cũng miễn phí. Mình giúp họ coi như làm phước”.
Như con tằm “nhả tơ” cho đời, tin rằng tấm gương sáng của người cựu chiến binh Bảy Khởi sẽ luôn vẹn nguyên giá trị cho nhiều thế hệ doanh nhân trẻ học hỏi và noi theo. Đúng như lời Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khi tiếp các đại diện doanh nhân cựu chiến binh làm kinh tế giỏi đã từng nhấn mạnh: “Các cựu chiến binh Việt Nam không chỉ anh hùng trong chiến đấu, mà trong thời bình cũng luôn là lực lượng tiên phong trên mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng, từ thiện xã hội”.
Trích từ báo Doanh nghiệp và thương hiệu số 102013.pdf
CÁC TIN LIÊN QUAN
Đảng bộ Tổng Công ty Xây dựng...
Ngày 23/12/2020, Đảng ủy Tổng Công ty Xây dựng Sài gòn – TNHH MTV (Tổng Công ty) đã tổ chức...
24 December 2020 Xem chi tiết
Đoàn thanh niên Cụm đoàn cơ sở...
Tối ngày 25/9/2020, Đoàn thanh niên Cụm đoàn cơ sở – khu vực công nhân lao động Thành đoàn phối...
28 September 2020 Xem chi tiết