Người cán bộ Đoàn 21 lần hiến máu.

Khai gian cân nặng để được hiến máu. Mượn tiền tham gia công tác Đoàn khi mới học năm nhất Khoa Kiến trúc – Xây dựng, ĐH Văn Lang. Đi làm được 4 năm, từ bỏ công tác chuyên môn có thu nhập cao chuyển sang phụ trách công tác Đoàn. Đó là những nét chấm phá về chân dung Nguyễn Ngọc Sơn, Bí thư Đoàn Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn.

10 năm, hiến hơn 5 lít máu

Anh Nguyễn Ngọc Sơn giải thích, hướng dẫn CB-CNV Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn
tham gia hiến máu nhân đạo. Ảnh: THANH THU

Chúng tôi gặp Sơn trong một lần tổ chức hiến máu nhân đạo ở Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn. Dáng người thấp bé, nhỏ con. Vừa trò chuyện với chúng tôi vừa đưa mắt quan sát mọi hoạt động, chàng bí thư cười hiền giải thích: “Một số anh chị mới lần đầu hiến máu, không tránh khỏi cảm giác hồi hộp, lo lắng. Mình là người khởi xướng phong trào, phải kịp thời động viên, thậm chí ngồi nói chuyện với họ suốt cả buổi để giải tỏa tâm lý”. Rồi cũng chính anh chăm chút từng bịch bánh, hộp sữa cho họ bồi dưỡng, không quên kèm theo lời dặn ăn uống hợp lý dù sáng giờ chính anh cũng chưa ăn gì.

Được hỏi, Sơn kể ngắn gọn: 19 lần hiến máu ở Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP, một lần ở Bệnh viện Truyền máu – Huyết học và một lần ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), mỗi lần hiến trung bình khoảng 250ml. Như vậy sau hơn 20 lần hiến, tổng số máu anh đã cho đi 5,2 lít, gần bằng tổng thể tích máu của một người trưởng thành. Ngoài ra, anh còn tham gia Câu lạc bộ Hiến máu tình nguyện do Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP tổ chức. “Biết mình thuộc nhóm máu hiếm AB (Rh+) nên mỗi lần nơi nào cần, chỉ cần a lô, tôi lập tức có mặt”, Sơn bày tỏ.

Lần hiến máu đầu tiên của anh vào năm nhất đại học. Khi ấy, thấy trên bảng tin Đoàn khoa có treo khẩu hiệu “Hiến một ít máu mình, cứu sống một mạng người”, Sơn liền đăng ký tham gia. Cân nặng chưa đến 45kg, anh phải khai gian thêm 3kg để đủ tiêu chuẩn được hiến máu. Sơn cho biết sẽ tiếp tục hiến máu vì đó là việc làm có ý nghĩa, giúp ích cho cộng đồng.

Vì lý tưởng Đoàn

Mùa hè năm 2001, Đoàn trường ĐH Văn Lang tổ chức đợt tập huấn cán bộ Đoàn ở TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Trước ngày đi, Sơn bị sốt cao nên ngủ li bì, quá giờ khởi hành. Tỉnh dậy, không kịp ăn sáng, Sơn chạy vội ra Bến xe miền Đông đón xe đi Lâm Đồng. “Trong túi không còn tiền, tôi chỉ kịp mượn người quen 100.000 đồng trả tiền xe và mua mấy gói mì cầm hơi”, Sơn kể lại. Đến Lâm Đồng, bụng đói meo, người lả dần vì sốt, Sơn vét hết tiền mua một gói mì tôm và thuê phòng trọ để cầm cự giữa cái lạnh của TP sương mù, chờ liên lạc được với mọi người. Rất may cuối cùng mọi người đã tìm được Sơn, cho anh uống thuốc. Năm sau đó, khi tham gia chiến dịch Mùa hè xanh ở tỉnh Bến Tre, Sơn cũng sốt cao. Điều kiện thuốc men không có, chỉ huy chiến dịch khuyên anh nên quay về TPHCM tịnh dưỡng nhưng anh nhất quyết ở lại cùng mọi người. Anh vẫn ráng sức đi dạy, làm quản trò, hát cho học sinh nghe. Cuối cùng, Sơn cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Có lẽ “máu liều” đã có trong anh từ ngày đó. Từng giữ nhiều trọng trách ở Đoàn trường ĐH Văn Lang như đội trưởng đội công tác Mùa hè xanh năm 2002, thành viên ban chỉ huy đội kỹ năng Ba lô xanh, Phó Bí thư Đoàn khoa Kiến trúc – Xây dựng, Ủy viên thường vụ Ban chấp hành Đoàn trường…, ở vai trò nào Sơn cũng được các bạn sinh viên yêu mến và tín nhiệm. Ra trường đi làm được 4 năm, anh lại có một quyết định táo bạo khi chuyển từ công tác chuyên môn của ngành xây dựng sang chuyên trách công tác Đoàn. Làm công tác Đoàn tốt được nhiều tình cảm của đồng nghiệp, song thu nhập giảm đi đáng kể. Dẫu vậy Sơn vẫn là một bí thư Đoàn năng nổ, nhiệt tình. Nhờ những cống hiến của Sơn, Đoàn Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn nhiều năm liền đạt thành tích xuất sắc trong hoạt động Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi TP, được nhận bằng khen của UBND TP năm 2008.

Nguồn: Báo SGGP.

 

CÁC TIN LIÊN QUAN