VCCI: Vì một cộng đồng doanh nghiệp mạnh

    Trong những năm qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã thực hiện tốt vai trò của mình trong việc xúc tiến thương mại, đầu tư và hỗ trợ các doanh nghiệp được Chính phủ, các Bộ ban ngành, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Hướng tới  Đại hội VI. Phóng viên Vietnam Business Forum đã có buổi phỏng vấn ông Nguyễn Văn Khởi  – Tổng giám đốc, Tổng công ty xây dựng Sài Gòn, Ủy viên Ban chấp hành VCCI .

Văn Lượng (thực hiện)

   

    Ông đánh giá như thế nào về vai trò, vị trí của VCCI trong nững năm qua cũng như hoạt động thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp, doanh nhân, sự liên kết giữa các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, xúc tiến và hỗ trợ các hoạt động thương mại, đầu tư, hợp tác khoa học – công nghệ và các hoạt động kinh doanh khác..?

Tại buổi lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập VCCI (27/4/1963-27/4/2003) – đánh dấu chặng đường nửa thế kỷ hình thành và phát triển của VCCI với vai trò là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, các hiệp hội và người sử dụng lao động tại Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định vai trò và tầm quan trọng của VCCI trong quá trình phát triển đất nước; Yêu cầu VCCI tiếp tục bám sát định hướng, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế, đặc biệt là Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, VCCI tăng cường các hoạt động tham mưu cho Đảng và Nhà nước về các vấn đề phát triển kinh tế, phát triển doanh nghiệp, hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp các ngành, các vùng trên cả nước, trong việc ban hành các chính sách về phát triển kinh tế, doanh nhân và doanh nghiệp. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng yêu cầu VCCI tiếp tục tham gia với các cơ quan Chính phủ trong việc thúc đẩy cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp cạnh tranh, xúc tiến thương mại, đầu tư và hội nhập quốc tế.

Sau nửa thế kỷ phát triển, từ chỗ chỉ có 93 tổ chức hội viên, đến nay VCCI đã có trên 11.000 hội viên trực tiếp và trên 100.000 hội viên gián tiếp đại diện cho các thành phần kinh tế. VCCI đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng các chính sách, nền tảng pháp lý cho môi trường kinh doanh ở Việt Nam thông qua việc tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện Luật Doanh nghiệp (1999, 2005), Luật Đầu tư (2005); Nghiên cứu, đề xuất, khuyến nghị các chủ trương, phương án đàm phán gia nhập WTO, FTA, TPP và các điều ước quốc tế.

     Đặc biệt, việc công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã góp phần giúp các địa phương cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư; nghiên cứu, công bố báo cáo thường niên và các báo cáo định kỳ về tình hình doanh nghiệp, kiến nghị kịp thời những giải pháp, chính sách với Chính phủ. Bên cạnh đó, VCCI còn chủ trì và đồng chủ trì nhiều diễn đàn đối thoại chính sách kinh tế lớn trong nước và quốc tế. VCCI cũng đề xuất và trực tiếp tham gia xây dựng đề án trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 09 về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Đây là văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước về doanh nhân, khẳng định vai trò của đội ngũ doanh nhân và các quan điểm, chính sách, giải pháp phát triển đội ngũ doanh nhân cùng với giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ tri thức trong tình hình mới.

Với tư cách là tổ chức quốc gia của cộng đồng doanh nghiệp, VCCI tiếp tục có trách nhiệm và sắc sảo hơn trong hoạt động tham mưu chính sách để góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đảm bảo doanh nghiệp có được môi trường kinh doanh bình đẳng và minh bạch, tận tâm và chuyên nghiệp hơn trong các hoạt động xúc tiến, hỗ trợ doanh nhân, nhất là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa… để nền kinh tế Việt Nam trong tương lai không chỉ có các doanh nhân riêng lẻ mạnh và có cả một cộng đồng doanh nghiệp mạnh .

Là Ủy viên Ban chấp hành VCCI, theo ông ở thời điểm khó khăn hiện nay thì doanh nhân Việt Nam cần phải suy nghĩ và có những hành động cụ thể, thiết thực như thế nào?

Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH – HĐH, hội nhập quốc tế đã nêu rất rõ. Theo đó doanh nhân cần phải có cái tâm, cái tầm mà cái tầm ở đây chính là năng lực trong điều hành, có tri thức, có những công cụ tốt và bản lĩnh để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.  Bên cạnh đó, cần chú trọng sắp xếp lại bộ máy quản lý một cách khoa học, sử dụng yếu tố “con người” một cách hiệu quả. Ngoài ra cũng cần có cái Tâm trong công việc, phải biết đam mê, phấn đấu, không ngừng học hỏi và có trách nhiệm với từng việc làm thì mới vượt qua được mọi gian nan, thử thách.

Ở góc độ cá nhân, tôi cho rằng Chính phủ cần có những giải pháp quyết liệt để giúp ổn định tình hình kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp. Về phía các doanh nghiệp, bên cạnh sự hỗ trợ từ các chính sách quản lý, cần chủ động từ việc tiếp tục thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra các doanh nghiệp cần chủ động tăng cường liên kết kinh doanh thông qua việc tham gia vào các chuỗi giá trị, vào các mạng sản xuất, hình thành các cụm nông – công nghiệp. Việc liên kết  sẽ giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững, bảo đảm đầu vào cũng như đầu ra của doanh nghiệp, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh doanh.

     Trong các cuộc tọa đàm gần đây, nhiều ý kiến của doanh nhân thành đạt đã chia sẻ với những người mới khởi sự nên xem việc khởi nghiệp không chỉ đơn thuần là kiếm tiền, mà cao hơn là giá trị sống, khẳng định năng lực của mình với xã hội. Nhân dịp này, cá nhân ông có lời nhắn nhủ gì cho giới trẻ trong công cuộc xây dựng đất nước, trở thành người có ích cho xã hội?

     Nhiệm vụ của thanh thiếu niên không chỉ là học tập, rèn luyện mà còn phải biết cống hiến và hy sinh. Trong không khí cả nước đang phát động phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tôi chỉ muốn nhắc lại lời chỉ dạy ân cần của Bác đối với thế hệ thanh thiếu niên: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà! Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?”.

Ngày nay, còn nhiều bạn trẻ đang mải mê theo đuổi những giá trị vật chất tầm thường mà quên đi trách nhiệm, nghĩa vụ lớn lao của mình đối với Tổ quốc, với non sông đất nước. Tôi chỉ muốn nhắn nhủ với các bạn rằng: “Không có lý tưởng cao cả để phấn đấu, cuộc sống con người sẽ trở nên tẻ nhạt, tầm thường, thậm chí vô nghĩa. Các bạn hãy sống một cuộc sống thật ý nghĩa, có tinh thần cầu tiến và luôn nỗ lực biến mơ ước của mình thành hiện thực. Dù điều tồi tệ nhất xảy ra là sự thất bại nhưng các bạn cũng đã có những kinh nghiệm ban đầu quý giá để lần mạo hiểm tiếp theo sẽ thành công trọn vẹn.”


Xin chân thành cảm ơn ông!

Trích từ báo VCCI

CÁC TIN LIÊN QUAN